Thép Việt ảnh hưởng ra sao khi Mỹ áp thuế 450%?
Mỹ áp thuế hơn 450% với thép chống ăn mòn, thép cán nguội của Việt Nam nhưng ngành thép trong nước có thể sẽ không bị tác động quá lớn.
Bộ Thương mại Mỹ (DOC) quyết định áp thuế tới 456,23% với sản phẩm thép cán nguội và chống ăn mòn sử dụng nguyên liệu nhập khẩu từ Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). Sản phẩm thép cán nguội và thép chống ăn mòn của Việt Nam sử dụng nguyên liệu nhập khẩu từ Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) bị DOC xem "chưa có sự chuyển đổi đáng kể". Vì thế, hải quan Mỹ được đề nghị thu thuế tới 456,23%.
Theo các chuyên gia, với mức thuế rất cao mà nhà chức trách Mỹ đưa ra, cánh cửa sang thị trường này ít nhiều khép lại, nhất là với 2 sản phẩm bị áp thuế lần này - thép cán nguội và thép chống ăn mòn. Trong khi đó, các sản phẩm thép xuất khẩu khác không bị ảnh hưởng. Vì vậy, ông Nguyễn Văn Sưa – nguyên Phó chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) bình luận, "mức thuế này không gây ra quá nhiều tác động tiêu cực". Ông dẫn số liệu của VSA cho thấy, tỷ trọng thép Việt Nam sang Mỹ chỉ chiếm 6,5% tổng lượng xuất khẩu, khoảng vài trăm nghìn tấn một năm, trong khi xuất sang Đông Nam Á là 65%.
Năm 2017, Mỹ từng đánh thuế tương tự với thép Việt, và lúc đó ngành thép chỉ bị ảnh hưởng trong ngắn hạn bởi từ tháng 6/2017, Formosa Hà Tĩnh đã sản xuất được thép cán nóng – nguyên liệu để làm thép cán nguội và thép chống gỉ (thép mạ, thép phủ màu). Sản lượng thép cán nóng tăng lên nhanh chóng với 3,4 triệu tấn năm 2018 và đạt 4,5 triệu tấn vào năm nay. Việc chủ động được nguồn nguyên liệu, ông Sưa nhấn mạnh, sẽ tăng sức cạnh tranh và giúp doanh nghiệp thoát mối lo áp thuế chống lẩn tránh thuế từ các thị trường. Kiểm tra thép cán nguội nhập khẩu.
Ảnh: WSJ
Kiểm tra thép cán nguội nhập khẩu. Ảnh: WSJ Lãnh đạo Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, doanh nghiệp xuất khẩu 2 mặt hàng trên sang Mỹ nhưng sử dụng nguyên liệu từ Việt Nam thì không bị áp thuế theo quyết định này. Ông dẫn chứng trường hợp thép Nam Kim, do nằm trong danh sách hợp tác tích cực với cơ quan điều tra DOC khi chứng minh không sử dụng nguồn nguyên liệu từ các nước trên nên các giao dịch của doanh nghiệp này đi Mỹ vẫn diễn ra bình thường.
Hiện doanh nghiệp này cũng chủ động được hơn 70% nguyên liệu sản xuất từ trong nước. Một "ông lớn" khác trên thị trường là Hoà Phát cũng khẳng định "không ảnh hưởng gì" từ việc áp thuế lần này, bởi về tổng thể Hoà Phát xuất khẩu không nhiều, thị trường chính là trong nước. Sản phẩm xuất khẩu chính là ống thép và thép xây dựng (không thuộc sản phẩm bị đánh thuế) chủ yếu xuất khẩu sang ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc..., hầu như không còn xuất khẩu vào Mỹ. 11 tháng đầu năm nay, doanh nghiệp này xuất khẩu 17.000 tấn ống thép và 220.000 tấn thép xây dựng sang các thị trường.
Chưa kể, Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất vận hành giai đoạn 1 vào năm sau, giúp doanh nghiệp chủ động được nguồn nguyên liệu thép cán nóng. Tuy nhiên, mối lo cho ngành sản xuất thép trong nước lại dấy lên khi nguy cơ đối diện với các cuộc điều tra các biện pháp thương mại từ nước nhập khẩu ngày càng nhiều.
Chưa kể, ngoài sản phẩm thép, một danh sách gồm 25 mặt hàng có nguy cơ cao nằm trong diện bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại đã được Bộ Công Thương cập nhật. Ông Lê Triệu Dũng - Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cảnh báo, tới đây các vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ toàn cầu và lẩn tránh phòng vệ thương mại có ảnh hưởng đến Việt Nam từ các nước có thể tăng lên.
Hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hoá bất hợp pháp, theo lãnh đạo Cục Phòng vệ thương mại, chỉ đem lại lợi ích nhất thời cho một vài doanh nghiệp có hành vi bất chính. "Hành vi này lại làm tăng chi phí và nguồn lực rất lớn của các doanh nghiệp làm ăn chân chính khi muốn chứng minh sự tuân thủ quy định của các quốc gia xuất khẩu", ông nhấn mạnh.
Để tránh bị tiếng xấu và tác động tới ngành sản xuất trong nước, ông Nguyễn Văn Sưa khuyến cáo, doanh nghiệp ngoài chủ động dừng sử dụng nguyên liệu từ 3 nước trên để tránh bị đánh thuế cao, nên chuyển sang dùng nguyên liệu trong nước hoặc từ các nước khác như Nga, Nhật Bản.
Doanh nghiệp cũng cần chủ động cập nhật chính sách của nước nhập khẩu, chẳng hạn Mỹ liên tục thay đổi trong 3 năm qua. "Có thể trong một vụ việc, cơ quan hải quan xác minh đủ xuất xứ Việt Nam, nhưng cơ quan điều tra chống lẩn tránh lại kết luận khác. Điểm này doanh nghiệp phải chủ động nắm bắt, đừng vì lợi trước mắt mà ảnh hưởng tới cả ngành", ông lưu ý.